Hiện nay, số lượng giấy tờ, hợp đồng… ngày càng phát sinh nhiều, dẫn đến nhu cầu dịch thuật các loại văn bản, giấy tờ cũng theo đó tăng lên. Nhiều công ty dịch thuật đã được thành lập để đáp ứng nhu cầu cao này. Để thành lập công ty dịch thuật tại Thanh Hóa cần những thủ tục gì, mời quý vị theo dõi bài viết hữu ích sau của Blue.
Thủ tục thành lập
Để thành lập Công ty cung cấp dịch vụ dịch thuật, trước tiên bạn cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, theo quy định của luật doanh nghiệp năm 2014 có các loại hình doanh nghiệp sau: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh.
Dịch vụ dịch thuật không thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục 4 của Luật đầu tư năm 2014. Nên việc thành lập Công ty sẽ tiến hành theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, Công ty bạn phải đáp ứng một số điều kiện sau:
a. Về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch
Theo quy định tại Điều 27 của nghị định 23/2015/NĐ-CP tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch cụ thể như sau:
– “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
– Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch” Điều này được hướng dẫn tại khoản 1, điều 9 của thông tư số 20/2015/TT-BTP hướng dẫn nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau: “Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A tốt nghiệp thạc sỹ luật quốc tế tại Trung Quốc, chương trình học bằng tiếng Trung thì ông A đủ tiêu chuẩn để được dịch tiếng Trung Quốc; ông Nguyễn Văn B tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Nhật Bản nhưng chương trình học bằng tiếng Anh thì ông B chỉ đủ tiêu chuẩn để dịch tiếng Anh (không được dịch tiếng Nhật Bản)”;
– “Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.”
Khoản 2, điều 9 của thông tư số 20/2015/TT-BTP hướng dẫn nghị định 23/2015/NĐ-CP đã giải thích cụ thể:
– Ngôn ngữ phổ biến là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Tây Ban Nha.
– Những ngôn ngữ không phổ biến là loại ngôn ngữ ít được thể hiện trên giấy tờ, văn bản sử dụng tại Việt Nam và có ít người có thể dịch được ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Ả Rập, tiếng Ấn Độ, tiếng Mông Cổ…
b. Quy định về cộng tác viên dịch thuật
Theo quy định tại Điều 28 của nghị định số 23/2015/NĐ-CP, cộng tác viên dịch thuật gồm có những điều kiện sau:
– “Người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước. Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật và lập danh sách cộng tác viên dịch thuật của phòng, báo cáo Sở Tư pháp phê duyệt.
– Trên cơ sở danh sách cộng tác viên dịch thuật đã được Sở Tư pháp phê duyệt, Phòng Tư pháp niêm yết công khai tại trụ sở của Phòng Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu chứng thực trong việc liên hệ với người dịch.
– Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải ký hợp đồng cộng tác viên dịch thuật với Phòng Tư pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người dịch đối với nội dung, chất lượng của bản dịch.”
Ngoài ra, quy định người dịch phải chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước cơ quan thực hiện chứng thực về tính chính xác của nội dung bản dịch; không được dịch những giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 32 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch (Khoản 1, điều 30 của nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Căn cứ pháp lý
– Luật doanh nghiệp năm 2014;
– Luật đầu tư năm 2014;
– Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;
– Thông tư số 20/2015/TT-BTP hướng dẫn nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch,
Quý khách hàng có nhu cầu hoặc có vấn đề thắc mắc liên quan đến Thủ tục thành lập công ty dịch thuật tại Thanh Hóa, xin vui lòng liên hệ với Blue để được tư vấn miễn phí.