Nhiều điều kiện mới về loại phế liệu nhập khẩu, điều kiện đối với doanh nghiệp nhập khẩu được Chính phủ ban hành nhằm kiểm soát chặt hoạt động này…Trong bài viết này, Blue xin được giới thiệu về giấy phép nhập khẩu phế liệu tại Việt Nam.
1. Văn bản điều chỉnh.
Thông tư số 34/2012/TTLT-BTNMT hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu.
Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất.
3. Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu.
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận (theo mẫu tại Phụ lục 1 của Thông tư số 34/2012/TTLT-BTNMT).
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
– Một trong các tài liệu sau: Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; Giấy xác nhận hoặc Thông báo chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; Quyết định phê duyệt hoặc Giấy xác nhận Đề án bảo vệ môi trường (bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
– Kết quả giám sát chất lượng môi trường lần gần nhất của cơ sở sản xuất, nhưng không quá sáu (06) tháng tính đến ngày đề nghị cấp Giấy chứng nhận (bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
4. Thời gian thực hiện cấp giấy chứng nhận.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tài nguyên vả Môi trường nhận được Hồ sơ (tính theo ngày trên dấu đến), Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét sự đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này và phải có thông báo bằng văn bản cho thương nhân nếu có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung.
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ (tính theo ngày trên dấu đến), Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra sự phù hợp theo các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này để xem xét:
a) Trường hợp đủ điều kiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân (theo mẫu tại Phụ lục 2 của Thông tư này). Giấy chứng nhận có thời hạn hiệu lực là ba (03) năm kể từ ngày cấp và không được gia hạn;
b) Trường hợp không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thông báo bằng văn bản cho thương nhân lý do từ chối cấp Giấy chứng nhận.
Đặc biệt lưu ý, Từ 01/10/2018: Không cấp phép nhập khẩu phế liệu qua đường bộ và đường sắt vào Việt Nam. Đó là một trong số những giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ vừa qua.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một số các giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong đó có các nội dung nổi bật như:
– Từ ngày 01/10/2018, không cho phép nhập khẩu phế liệu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu về thông tin này.
– Không cấp mới Giấy xác nhận, không gia hạn Giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu.
– Không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu.
– Không cho phép hoạt động đối với các làng nghề tái chế gây ô nhiễm môi trường
– Sẽ điều chỉnh Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, theo hướng không cho phép nhập khẩu các loại phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, những loại phế liệu trong nước đang sẵn có nguồn nguyên liệu, phế liệu.
– Thông quan nhanh các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu.
– Áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.
– Kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
– Chủ tàu, chủ hãng vận tải biển phải chịu trách nhiệm đối với lô hàng phế liệu đang vận chuyển của tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.
– Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu và chủ hàng không xuất trình được Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
– Thông báo qua đường ngoại giao tới các quốc gia thường xuyên có hàng hóa là phế liệu xuất khẩu sang Việt Nam về việc doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam phải có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam cấp theo quy định.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Blue để được tư vấn miễn phí.