Với mức tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường lớn với hơn 96 triệu người, ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đang là “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tới tìm hiểu thị trường nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, đầu tư trong thời gian tới. Lý giải vì sao ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam lại đang thu hút nhiều DN ngoại quan tâm đầu tư, hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là tại thị trường TPHCM, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực và Thực phẩm TPHCM, cho biết, ngành thực phẩm & đồ uống, chiếm 15% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Bên cạnh đó, ngành này cũng là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam.
Mới đây, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM phối hợp với Cục Công tác phía Nam, Bộ Công Thương tổ chức buổi “Kết nối giao thương hợp tác Ấn Độ – Việt Nam ngành thực phẩm và đóng gói” giữa gần 50 doanh nghiệp Ấn Độ và các DN Việt Nam
Theo đánh giá của các doanh nghiệp Ấn Độ, Việt Nam là quốc gia lớn trong ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, nông sản và là một trong những nhà xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu và hạt điều lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu và tiêu dùng thực phẩm lớn.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2018, Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam, các sản phẩm thủy sản trị giá 344 triệu USD, rau quả tươi và chế biến trị giá 39 triệu USD, ngô có trị giá 24,86 triệu USD… Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng chính như hạt tiêu trị giá 62,6 triệu USD, hạt điều trị giá 34,8 triệu USD và cà phê trị giá 95,6 triệu USD…
Ông Ramesh Anand, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) cho rằng, thu nhập ngày càng tăng của người dân, thị trường rộng lớn với hơn 96 triệu dân và ngành du lịch đang phát triển mạnh sẽ tăng cường chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Chính vì vậy, tiềm năng thương mại trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống dành cho DN 2 nước là rất lớn.
Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do gần đây như CPTPP và FTA EU-Việt Nam sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chế biến của Việt Nam. Đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Ấn Độ tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Cũng giống như các DN Ấn Độ, thời gian gần đây, các DN đến từ Ba Lan cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư với các DN Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, chế biến thực phẩm.
Theo ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan tại TPHCM, cả Việt Nam và Ba Lan đều là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông sản cũng là lĩnh vực chính của thương mại song phương.
DN Việt Nam đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm sẽ cần nhiều đến máy móc, công nghệ hiện đại, trong khi đó, đây là thế mạnh của các DN Ba Lan, do đó, DN hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác đầu tư lĩnh vực này.
Mới đây, ngày 8/8 tại TPHCM, chiến dịch quảng bá nông sản chất lượng cao của Ba Lan tại Việt Nam cũng đã được tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp 2 nước Ba Lan, Việt Nam
Ông Piotr Ziemann, Chủ tịch hiệp hội các nhà giết mổ thịt và chế biến thịt nguội Ba Lan, cho biết các DN Ba Lan xem Việt Nam là thị trường rất quan trọng và hiện Việt Nam cũng là đối tác lớn nhất của Ba Lan tại khu vực ASEAN.
Theo ông Piotr Ziemann ưu thế của Ba Lan là có thể sản xuất thịt bò với chi phí thấp hơn 17% chi phí trung bình của toàn EU nhưng chất lượng vẫn đứng tốp đầu châu lục. Theo cam kết của Việt Nam đối với EU trong EVFTA, thuế nhập khẩu đối với thịt bò sẽ về 0% sau 3 năm hiệp định có hiệu lực.
Hiện nay, 85% thịt bò Ba Lan là dành cho xuất khẩu, tỉ lệ này lần lượt là 55% cho thịt gà và 17% cho thịt lợn. Trong khi thịt lợn Ba Lan đã xuất hiện ở thị trường Việt Nam, thịt bò và thịt gà vẫn còn mới mẻ dù đã quen mặt ở các thị trường khó tính châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Blue là địa chỉ tin cậy để quý vị tin tưởng hợp tác sử dụng các dịch vụ liên quan đến đầu tư nước ngoài. Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ với Blue để được hướng dẫn miễn phí.